Diễn biến Chiến_dịch_Bobruysk

Diễn biến chiến dịch Bobruysk, 24-27 tháng 6 năm 1944.

Ngày 23 tháng 6 năm 1944, trận đánh tại Bobruysk mở màn bằng một trận mưa đạn pháo chụp lên đầu các phòng tuyến quân Đức, tiếp theo đó là các đợt xung phong của các mũi tấn công Xô Viết. Tuy nhiên, trước sự phòng thủ cứng rắn của quân Đức, đợt tấn công không diễn ra như mong muốn. Đại tướng K. K. Rokossovsky lập tức cho hoãn tiến công và tiếp tục tổ chức một trận pháo kích dữ dội vào ngày 24 tháng 7. Hai trận pháo kích đã đánh phá tan tành phòng tuyến của sư đoàn bộ binh số 134 (Đức) ở phía Bắc khu vực này, nơi quân đoàn xe tăng số 9 (Liên Xô) tấn công. Đồng thời, hệ thống cầu đường xuyên qua các đầm lầy được công binh xây dựng và ngụy trang khéo léo đã giúp quân đội Liên Xô tiếp cận các vị trí của quân Đức mà đối phương không hề hay biết.[17] Quân Đức vội vã điều sư đoàn thiết giáp số 20 tới chặn kích nhưng cùng lúc đó, quân đoàn xe tăng cận vệ số 1 đã mở được một đột phá khẩu ở phía Nam Bobruysk và tiến sâu hơn 40 cây số; buộc quân Đức phải điều sư đoàn thiết giáp số 20 vòng xuống phía Nam chặn kích[18]. Bị đánh từ hai hướng, lực lượng chặn kích trở nên lúng túng và cứ chạy vòng vòng từ Bắc xuống Nam và từ Nam lên Bắc suốt hai ngày. Trong khi đó, quân đội Liên Xô tiếp tục tấn công dữ dội và, cuối cùng vào ngày 26 tháng 6, quân đoàn xe tăng số 9 đập vỡ phòng tuyến quân Đức ở Rogachev và đánh chiếm các đầu cầu vượt sông Berezina ở phía Nam Bobruysk, trong khi quân đoàn xe tăng cận vệ số 1 đánh chiếm các đầu cầu bên bờ Tây của sông. Theo sau các mũi xe tăng là lực lượng chính của Tập đoàn quân số 65, 48 và 3. 70.000 quân Đức[19] của các quân đoàn số 34, quân đoàn thiết giáp số 41 và sư đoàn xe tăng số 20 đã bị nhốt vào một "cái chảo" lớn ở Đông Nam Bobruysk.[17]

Hướng Glusk (Hlusk) - Osipovichi (Asipovichi)

Đại tướng K. K. Rokossovsky đặt nhiều hi vọng vào mũi đột kích vào phía Tây Nam Boboruysk vòng lên Tây Bắc thành phố. Tiến công trên dải hành lang giữa hai con sông Brezina và Ptichi, các tập đoàn quân 28, 65 và Cụm kỵ binh cơ giới của tướng I. A. Pliev không phải vượt qua các con sông lớn. Tuy nhiên đây cũng là hướng mà Tập đoàn quân 9 (Đức) bố trí khá nhiều binh lực. Ngoài Sư đoàn bộ binh 45 đóng ở Parichi và Sư đoàn bộ binh 383 đóng ở Karpilovka trên tuyến đầu, còn có Sư đoàn cơ giới 36 đóng ở khu vực Glusk trên tuyến 2. Bên cánh phải cụm quân này, Sư đoàn bộ binh 102 đóng ở Kopatkevichi cũng có thể kéo sang chi viện. Vì vậy, ông yêu cầu Tập đoàn quân 65 và Tập đoàn quân 28 thu hẹp chính diện tấn công xuống còn 25 và 15 km, đảm bảo cho mật độ pháo binh lên đến 160 nòng súng trên 1 km chính diện, chưa kể hơn 60 dàn Katyusha.[20]

6 giờ sáng 24 tháng 6, các tuyến phòng ngự của quân Đức từ Parichi đến Kopatkevichi phải hứng chịu cuộc pháo kích kéo dài đến 2 giờ liền. Các trung tâm phòng ngự phía trong cũng bị hàng trăm phi vụ ném bom và tấn công mặt đất bằng hỏa tiễn của Tập đoàn quân không quân 16 và Tập đoàn quân không quân chiến lược số 1 (Liên Xô). Đến 11 giờ, Tập đoàn quân 65 đã phá vỡ toàn bộ tuyến phòng thủ đầu tiên của quân Đức và đánh chiếm các cứ điểm Prachi, Gomza (???) và Sekirrichi (???). Bên sườn trái, Tập đoàn quân 28 chỉ cần một buổi sáng để hoàn thành nhiệm vụ đột phá được giao cho họ trong cả ngày, đánh chiếm các vị trí Brodtsam (???), Ospino (???) và Rogy (Roh). Đến cuối buổi sáng 24 tháng 6, cả hai tập đoàn quân 28 và 65 đã mở được một cửa đột phá rộng đến 30 km, sâu từ 5 đến 10 km. Trước những thành công ngoài kế hoạch của hai tập đoàn quân này. Chiều 24 tháng 6, Cụm kỵ binh cơ giới của tướng I. A. Pliev được điều ngay vào khu vực đột phá khẩu để phát huy chiến quả mà không chờ đến ngày hôm sau. Với sức mạnh phối hợp của kỵ binh và xe tăng, cụm quân của tướng I. A. Pliev đã thọc sâu thêm 30 km và đã chạm đến tuyến phòng thủ thứ hai của quân Đức trên khu vực Glusk.[3]

Hai ngày sau đó, Sư đoàn cơ giới 36 (Đức) cùng hai sư đoàn bộ binh ở tuyến đầu rút về cố sức chống trả hai tập đoàn quân Liên Xô trên tuyến sông Ptichi nhưng không thể cản được đà tấn công của đối phương. Ngày 25 tháng 6, Lữ đoàn kỵ binh 1 SS thuộc Sư đoàn an ninh 391 (Đức) có 15 xe tăng yểm hộ tiến hành cuộc phản kích vào Trung đoàn kỵ binh 35 (Liên Xô) tại nhà ga Ptich và làng Bagrimovichi (???). Cuộc phản công này tạo ra mối đe dọa ở hai bên sườn các Trung đoàn kỵ binh 35 và 61 đã tiến ra Glusk. Tướng Kryukov, chỉ huy Quân đoàn kỵ binh cận vệ 2 lệnh cho tướng Pankratov, sư đoàn trưởng Sư đoàn kỵ binh cận vệ 3 điều Trung đoàn kỵ binh 59 và Trung đoàn pháo chống tăng 149 tiếp ứng. Chiều 25 tháng 6, kỵ binh SS và xe tăng Đức bị đánh bật khỏi bờ sông Ptichi, chiếc cầu đường bộ bắc qua sông Prichi ở phía Tây Glusk lọt vào tay quân đội Liên Xô.[21] Ngày 26 tháng 6, Quân đoàn kỵ binh cận vệ 2 (Liên Xô) vượt sông Ptichi, đánh vào sau lưng cánh quân của Quân đoàn xe tăng 41 đã phòng ngự trên khu vực phía Tây sông Berezina. Tuyến phòng ngự của quân Đức một lần nữa bị tan vỡ. Hai quân đoàn kỵ binh Liên Xô đã thọc sâu đến Staro Dorogi (Staryya Darohi), cắt đứt con đường sắt từ Slutsk đi Osipovichi - Bobruysk. Tập đoàn quân 28 và Tập đoàn quân 65 tiến nhanh lên phía Tây Bắc Bobruysk. Ngày 26 tháng 6, họ lần lượt đánh chiếm Glusha rồi thọc lên Osipovichi và Pukhoviuchi (Puchavicy), cắt đứt đường sắt và đường bộ nối Minsk với Bobruysk.[1]

Tin chắc vào kết quả của chiến dịch, ngày 26 tháng 6, tướng K. K. Rokossovsky lệnh cho Quân đoàn xe tăng cận vệ 1 tấn công dọc theo thung lũng sông Berezina lên phía Bắc. Trước sức tấn công của xe tăng Liên Xô, Sư đoàn bộ binh 45 (Đức) phòng thủ ở khu vực Parichi nhanh chóng tan vỡ, một bộ phận tháo chạy về Bobruysk, đại bộ phận bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh. Cánh cửa phía Nam Bobruysk đã được xe tăng Liên Xô chốt giữ. Các đường rút lui của Tập đoàn quân 9 lên phía Bắc và sang phía Tây đã bị khóa chặt.[7] Bên sườn trái của Tập đoàn quân 28, Quân đoàn kỵ binh cận vệ 7 đã đánh chiếm một bàn đạp rộng và sâu bên bờ Tây sông Oressa, khóa chặt con đường độc đạo từ Luninyet (Luninets) đi Bobruysk. Quân đoàn kỵ binh cận vệ 4 đã triển khai dọc sông Oressa từ Glussy (???) đến phía Đông Slutsk, chia cắt Quân đoàn bộ binh 55 (Đức) với chủ lực Tập đoàn quân 9 đang đóng ở khu vực phía Đông sông Oressa và sẵn sàng cho giai đoạn tấn công tiếp theo.[21]

Hướng Rogachev - Svisloch

Các xe tăng Đức bị bắn hỏng gần Bobruysk

6 giờ sáng ngày 24 tháng 6, các tập đoàn quân 3 và 48 trên cánh phải hướng Bobruysk bắt đầu tấn công. Đúng như dự đoán của Bộ Tư lệnh mặt trận, dù đã sử dụng pháo binh với mật độ cao nhất để bắn phá dọn đường trong hơn 2 giờ nhưng cuộc tấn công của quân đội Liên Xô ở đây tiến triển khá chậm chạp. Các quân đoàn bộ binh 40, 41, 20 và cận vệ 3 đã vấp phải nhiều lớp rào phòng thủ của các sư đoàn bộ binh 6 và 36 (Đức) trải dài từ Kotyashovo (???) đến Lebedevka (???). Tướng Hans Jordan cũng điều Sư đoàn bộ binh 296 và một phần sư đoàn xe tăng 20 thiết lập tuyến phòng thủ phía sau từ Filipinovichi (???) đến Ryevka (???). Đến 12 giờ trưa ngày 24 tháng 6, các quân đoàn bộ binh 41 và 20 (Liên Xô) mới chiếm được 2 dải chiến hào đầu tiên của quân Đức sau những trận đánh vượt sông ác liệt và đẫm máu.[3]

Để tăng tốc độ tấn công, tướng A. V. Gorbatov, tư lệnh Tập đoàn quân 3 đề nghị thực hiện ý đồ mà ông đã đề xuất tại cuộc họp bàn kế hoạch tác chiến của phương diện quân về việc đưa Quân đoàn xe tăng 9 vào đột phá trong dải tấn công của Quân đoàn bộ binh 35. Nguyên soái G. K. Zhukov ủng hộ ý kiến này. Ngày 25 tháng 6, Quân đoàn xe tăng 9 bắt đầu triển khai tấn công tại khu vực bàn đạp Novo Bykhov, bên sườn phải của Tập đoàn quân 3 (Liên Xô).[8] Kết quả thu được còn vượt trên cả mong muốn của tướng K. K. Rokossovsky. Chỉ sau một ngày tấn công, Quân đoàn xe tăng 9 đã hoàn toàn đè bẹp sức kháng cự của Sư đoàn bộ binh 134 (Đức) và kéo lên phía Bắc với tốc độ tấn công lên đến hơn 50 km/ngày. Cuộc đột kích của Quân đoàn xe tăng 9 đã đặt toàn bộ cụm quân Đức đang phòng thủ tại phía Đông Nam Bobruysk và thế bị nửa hợp vây. Khi tướng Hans Jordan nhận ra nguy cơ và ra lệnh cho các sư đoàn bộ binh 6, 36, 296 và Sư đoàn xe tăng 20 rút về giữ Bobruysk thì đã quá muộn. Chiều ngày 26 tháng 6, chiếc cầu độc nhất qua sông Berezina ở Svisloch đã nằm trong tay Quân đoàn xe tăng 9. Con đường sắt từ Bobruysk di Mogilev bị cắt đứt.[4]

Ngày 27 tháng 6, Tập đoàn quân 48 (Liên Xô) đã đổ quân sang hữu ngạn sông Dniepr tại khu vực Zhlobin và dồn ép quân Đức lên phía Bắc. Cùng ngày, Quân đoàn xe tăng cận vệ 1 đã tiến đến của ngõ phía Nam Bobruysk và đột kích vào thành phố, phối hợp với Quân đoàn xe tăng 9 từ phía Titovka (???) tấn công sang. Đòn đột kích tốc độ cao của Quân đoàn xe tăng 9 (Liên Xô) đã làm cho quân Đức hoàn toàn bất ngờ. Một trung sĩ của Sư đoàn xe tăng 20 (Đức) sau khi bị bắt làm tù binh đã khai:

Sư đoàn xe tăng 20 từ Bobruisk tiến theo đường cao tốc đến Rogachev để ngăn chặn cuộc tấn công của quân Nga. Nhưng chỉ mới đi được 30 km, chúng tôi đã nhận được thông báo rằng xe tăng Nga đã đánh chiếm ngôi làng Titovka ngay phía sau lưng chúng tôi. Chúng tôi chuyển hướng từ đường cao tốc sang một tuyến tỉnh lộ và đi về phía bắc để tránh bị bao vây. Nhưng lại nhận được kết cục trong các đầm lầy. Tại nơi chúng tôi đang bị mắc kẹt, cả pháo cũng như xe tăng đều bị sa lầy dưới làn đạn pháo và bom từ các máy bay Nga trút xuống. Chúng tôi bắt đầu hoảng sợ, các kíp lái bắt đầu cho xe tăng tháo chạy. Họ nấp vào các bụi cây nhưng vẫn không trốn được những loạt rốc két từ "Thần chết đen". Chỉ trong ngày hôm đó, chúng tôi đã mất một nửa quân số và các trang thiết bị
— Alfred Fogen, trung sĩ lái xe thuộc Trung đoàn 59, Sư đoàn xe tăng 20 (Đức)[5]

Ngày 28 tháng 6, Quân đoàn xe tăng cận vệ 1 bắt đầu đột kích vào Bobruysk. Hơn 70.000 quân Đức cùng nhiều vũ khí hạng nặng bị bao vây tại khu vực Đông nam Bobruysk.[22]

"Hỏa ngục" Bobruysk

"Cái chảo" Bobruysk, 27 tháng 6 - 1 tháng 7 năm 1944.

Không bỏ phí thời gian, quân đội Liên Xô đã tiến hành thanh toán quân Đức tại Bobruysk bằng những trận mưa bom bão đạn với cường độ khủng kiếp. Khối quân Đức bị vây đã tìm mọi cách chạy thoát khỏi cái "chảo lửa" ở Bobruysk, hy vọng có thể cùng với Tập đoàn quân số 4 chống giữ khu vực Berezina và vùng ngoại ô Minsk, nhưng từng đám lính Đức trong tình trạng hỗn loạn đã kẹt cứng ở giao lộ tại Titovka và trở thành mục tiêu cho pháo binh và không quân Xô Viết. Chỉ có một số ít người may mắn thoát chết và chạy được về phía Tây Bắc của thành phố[17]. Một đợt oanh kích quy mô lớn bởi 526 máy bay của Tập đoàn quân không quân số 16 (Liên Xô) đã gây ra nhiều thương vong cùng sự khủng khiếp và hoảng loạn trong hàng ngũ quân Đức. Một số nỗ lực phá vây tự phát được thực hiện ở khu vực bờ Đông sông Berezina trên một địa đoạn dài vài cây số, và quân đội Xô Viết trả lời những cuộc phá vây này cũng bằng những trận mưa đạn pháo.[23] Không lâu sau đó, Tập đoàn quân số 9 tiếp tục bị giáng một đòn hủy diệt khi trụ sở cơ quan thông tin chủ yếu của nó bị san bằng trong một trận không kích. Ngày 26 tháng 6, Hitler huyền chức tướng Hans Jordan vì sai lầm của ông ta trong việc điều động Quân đoàn xe tăng 41. Liên tiếp bị tra tấn bởi những trận oanh tạc và pháo kích dữ dội, quân Đức dần dần rơi vào tình trạng hoảng loạn và mất tinh thần, nhiều người vứt bỏ cả vũ khí tìm cách chạy tháo thân về phía Tây[24]. Từ giữa ngày 28 tháng 6, Tập đoàn quân số 48 (Liên Xô) bắt đầu tổng công kích từ nhiều hướng và nhanh chóng tiêu diệt phần lớn số quân bị vây trong chảo lửa Bobruysk[25].

Khác với những cuộc bao vây trước đó, quân đội Liên Xô không đưa ra tối hậu thư cho cụm quân Đức bị vây. Mục tiêu sâu xa của chiến dịch Bagration không cho phép làm như vậy. Và cũng khác với các cuộc bao vây trước đó, quân đội Liên Xô không dùng bộ binh và xe tăng để "nói chuyện" với quân Đức như trong các cuộc bao vây trước đó mà dùng không quân và pháo binh. Trong buổi chiều khủng khiếp ngày 28 tháng 6 năm 1944, Tập đoàn quân không quân 16 (Liên Xô) đã huy động toàn bộ số máy bay tiêm kích, cường kích và máy bay ném bom chiến thuật mà họ có trong tay. 134 máy bay tiêm kích Liên Xô tạo thành ba vòng yểm hộ trên không tại các độ cao từ 200 mét đến 3000 mét, đảm bảo an toàn không phận cho các máy bay cường kích và máy bay ném bom hoạt động. 175 máy bay ném bom Pe-2 thực hiện oanh tạc ở độ cao 1.200 mét đến 1.600 mét. Từ độ cao 200 mét đến 1.200 mét, 217 máy bay cường kích IL-2Tu-2 tấn công vào các mục tiêu "cứng". Phụ họa vào đó là các trận pháo kích của pháo binh thuộc Tập đoàn quân 48 (Liên Xô).[26] Tập đoàn quân không quân 6 (Đức) bị chia năm xẻ bảy trên khắp chiến trường Byelorussia đã không thể có hành động đáng kể trên không để yểm hộ cho cánh quân Đức bị bao vây ở Đông Nam Bobruysk. Vài tốp Me-109Fw-190 với số lượng 4 đến 6 chiếc/tốp đã không thể vượt qua được hàng rào máy bay tiêm kích Liên Xô. Chỉ trong buổi chiều ngày 28 tháng 6, không quân Liên Xô đã ném xuống khu vực này 1.127 quả bom phá từ 50 đến 100 kg, 4.897 quả bom mảnh phá từ 10 đến 25 kg, 5.326 quả bom phá xe tăng, phóng 572 quả rốc két chống tăng, bắn 27.889 quả đạn pháo 37 mm và 45.440 viên đạn súng máy.[27] Tất cả những điều đó tạo thành một cơn bão lửa mà không một ngòi bút nào có thể miêu tả được. Các phi công trinh sát Liên Xô đếm được khoảng 150 xe tăng, pháo tự hành, xe bọc thép, 1.000 súng pháo các cỡ, 6.000 ô tô, 300 xe xích và 3.000 xe ngựa bị phá hủy. Nhưng không ai có thể biết hết được những điều kinh khủng thực sự đã diễn ra trong cơn bão lửa đó. Sau khi được nghe các tướng K. K. Rokossovsky và S. I. Rudenko báo cáo về việc đã thanh toán cụm quân Đức bị vây tại khu vực Bobruysk, Nguyên soái G. K. Zhukov chỉ thốt lên: "Đó là một bản hợp xướng rùng rợn".[28]

Nhằm cứu vãn tình thế, Bộ Tư lệnh tối cao lục quân Đức vội vã điều Sư đoàn xe tăng 12 của tướng Gerhard Müller từ khu vực Drogichin (Drahicyn) - Kobrin kéo tới giải vây. Ngày 30 tháng 6, từ khu vực phía Nam Pukhovichi, quân Đức tổ chức một cuộc tấn công phá vây với sự phối hợp của Sư đoàn xe tăng 12 với tàn quân của Sư đoàn xe tăng 20 trong vòng vây và đã mở được một đột phá khẩu tại khu vực của Sư đoàn bộ binh 356 (Liên Xô), giải cứu khoảng 10.000 quân Đức.[29] Phần lớn số quân này đã lâm vào trạng thái hoảng loạn và không mang vũ khí. Số còn lại tiếp tục hứng chịu những trận oanh kích dữ dội của quân đội Liên Xô và cuối cùng đã phải đầu hàng. 2/3 quân số của Quân đoàn bộ binh 35 và Quân đoàn xe tăng 41 đã bỏ mạng trong các trận không kích và pháo kích của quân đội Liên Xô. Trong số quân kéo cờ trắng ra hàng có thiếu tướng Kurt-Jürgen Freiherr von Lützow, tư lệnh Quân đoàn bộ binh 35 (Đức).[28]

Tình hình bi thảm của Tập đoàn quân số 9 trong cái "chảo lửa" Bobruysk đã được thiếu tướng Helmut Staedke, Tham mưu trưởng của tập đoàn quân báo cáo với chỉ huy lực lượng cứu viện, tướng Gerhard Müller như sau:

Rất mừng được gặp ông. Tập đoàn quân số 9 không còn tồn tại nữa.
— Helmut Staedke[30]

Đúng như viên tham mưu trưởng này đã dự báo, ngày 1 tháng 7, Tổng hành dinh Quân đội Đức Quốc xã phải sáp nhập ba sư đoàn còn lại trong số 10 sư đoàn của tập đoàn quân này vào Tập đoàn quân 2 để bố trí phòng thủ tại tuyến Baranovichi - Pinsk. Từ ngày 3 tháng 7, nó không còn được gọi là Tập đoàn quân 9 nữa mà được gọi là Cụm quân Von Vormann, theo tên của viên tướng xe tăng Nikolaus von Vormann, người được Adolf Hitler cử lên thay thế tướng Hans Jordan. Tập đoàn quân 9 là tập đoàn quân Đức thứ hai bị xóa sổ trong Chiến dịch Bagration.[31]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Bobruysk http://www.lexikon-der-wehrmacht.de/Gliederungen/A... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/h/16va/03.html http://militera.lib.ru/h/fuller/08.html http://militera.lib.ru/h/minasyan_mm/04.html http://militera.lib.ru/memo/russian/andreev_am/04.... http://militera.lib.ru/memo/russian/batov/08.html